NHỮNG LƯU Ý TRONG MÔN DỊCH (Ms Thu)
Vai trò của công tác dịch thuật đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí… chắc chắn là không ai nghi ngờ cả. Cho nên nếu ta còn làm ẩu thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Tiếng Việt đang mất dần bản sắc do chúng ta phải nghe quá nhiều lối hành văn của những người dịch không thoát. Thí dụ “thú nhỏ nhất là một loài dơi đến từ Thái Lan” (trên một tờ báo to), “Ðội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0” (trên một tờ báo khác), “Ban Văn hoá Giáo dục trong thành phần của Quốc hội”, “Những chiếc lá trên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”, “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”... Rất nhiều người không biết tiếng Tây mà vẫn có lối hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu.
Trong bài này tôi không nói về lỗi dịch sai của từng cá nhân (việc đó phải nhiều tập sách mới kể hết) mà đi thẳng vào những cái sai đã qua mắt gần như tất cả chúng ta, nghiễm nhiên đi vào tiếng Việt, được sử dụng rộng rãi, chưa có ai phát hiện, để làm sáng tỏ một trong những tác hại của dịch sai là phá hỏng tiếng Việt.
Có một từ mà tần số xuất hiện chắc chắn là hàng đầu trong lời nói hằng ngày, trên sách báo, phát thanh truyền hình, văn bản giao dịch, tài liệu khoa học… Có thể nói là mỗi chúng ta hằng ngày đều đụng đến.
Ðó là từ vi tính!
Từ này có nguồn gốc dịch sai.
Máy tính trước những năm bảy mươi to bằng cả gian nhà. Nhờ có phát minh ra bóng bán dẫn vào cuối những năm bốn mươi và vi mạch silicôn những năm sáu mươi mà vào đầu thập kỷ bảy mươi chiếc máy tính kích thước nhỏ đầu tiên ra đời. Ðó là tiền thân của toàn bộ thế hệ máy tính ta dùng bây giờ. Tại nơi sinh ra, nó được gọi là microcomputer (máy tính cực nhỏ). Tôi gặp cụm từ máy vi tính lần đầu tiên vào khoảng giữa những năm tám mươi trong quyển sách của một dịch giả lớn, nhưng chắc là không phải ông này đã dịch từ này đầu tiên. Với đà phát triển vũ bão của microcomputer cường độ sử dụng từ vi tính ở ta cũng theo đó mà tăng ồ ạt! Không hề có một ai do dự khi dùng từ này. Trên sạp báo thường có một tờ báo tên là Vi tính, một tạp chí là Thế giới vi tính.
Chúng ta đều biết trong các tổ hợp từ vi trùng, thế giới vi mô… thì vi bổ nghĩa cho từ đứng sau nó để đem lại ý nghĩa cực nhỏ: trùng cực nhỏ, thế giới cực nhỏ… Như vậy vi tính là tính cái cực nhỏ. Nhưng trong chữ microcomputer thì cái cực nhỏ là cái máy chứ đâu phải việc tính. Các loại máy tính bây giờ so với thế hệ cũ thì tất nhiên là cực nhỏ rồi. Còn việc tính ở đây đâu có nhỏ! Ðó là cái sai thứ nhất: Hiểu sai ý.
Cái sai thứ hai là chữ tính không phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với chữ vi theo kiểu này! Cùng xuất hiện với từ microcomputer trong tiếng Anh còn có từ microplane (máy bay cực nhỏ). Nếu mà cứ dịch theo kiểu máy vi tính thì trong tiếng Việt ta còn có thêm máy vi bay (!)
Cái sai thứ ba là theo lôgíc thông thường nhất: Khi tất cả các máy tính đều vi cả thì việc gì phải gọi chúng là vi nữa! Ngay trong tiếng Anh, người ta chỉ gọi microcomputer lúc vừa mới xuất hiện để phân biệt với các máy tính thế hệ cũ, sau đó chỉ là computer thôi.
Bớt chữ vi, đỡ nhiêu khê lại tiết kiệm biết bao giấy mực và thời gian!
Có cụm từ mà tôi thấy phân vân ngay khi nghe lần đầu tiên. Ðó là tên bộ phim hoạt hình Nga nhiều tập Hãy đợi đấy. Phim hay, tiếc là dịch cái tên chưa đúng. Trong Từ điển tiếng Nga bốn tập do Viện tiếng Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô xuất bản năm 1984, từ pogodit ngoài nghĩa là đợi còn một nghĩa khác nữa là lời đe doạ (khi ở mệnh lệnh thức). Thế thì phải dịch là Liệu hồn chứ. Về lời dịch này tôi đã trao đổi với vài đồng nghiệp người Nga, họ hoàn toàn nhất trí. Có người nói Hãy đợi đấy cũng ngụ ý lời đe doạ. Theo tôi thì đó là do nghe mãi thành quen. Nhưng cứ cho đó là lời de doạ đi nữa thì lời đe doạ này nghe èo uột quá, không giống với lời đe doạ tức đầy ruột như nội dung phim.
Từ đầu những năm 70 trong nhiều bài báo ở ta, tôi thấy tên tạp chí Nga Sovremennik được dịch là Người đương thời. Các dịch giả đã mắc một lúc hai cái sai.
Trong tiếng Nga danh từ Sovremennik chỉ có một nghĩa duy nhất là Người cùng thời mà thôi! Có nghĩa là những người sống cùng thời với nhau, không nhất thiết trong quá khứ hay hiện tại. Họ đã nhầm với một trong các nghĩa của tính từ sovremennưi là hiện thời, hiện nay. Còn cái sai thứ hai là diễn đạt tiếng Việt cũng sai nốt! Từ xưa đến nay chúng ta đều hiểu đương thời là thời bấy giờ, thời đó, tức là quá khứ chứ đâu phải là bây giờ! Cho đến nay, tất cả các từ điển của nước ta và kể cả của Trung Quốc chưa thấy chỗ nào viết đương thời là thời đang diễn ra cả.
Ba mươi năm trôi qua, từ dịch sai, viết sai, đọc mãi, nghe mãi thành quen, thành khái niệm. Khi viết bài này tôi có hỏi một loạt dịch giả, nhà văn, biên tập... Họ đều trả lời: “Người đương thời là đang sống với chúng ta bây giờ, vì đương =đang. Ðương đại cũng thế”. Ðài truyền hình cũng có một chương trình mang cái tên sai tiếng Việt này nên số người hiểu sai do đó càng tăng nhanh.
Chúng ta đều biết trong các kết hợp Hán-Việt, các âm Hán chỉ kết hợp với Hán và tính từ đi trước danh từ. Tổ hợp từ này đọc lên nghe loảng xoảng như âm Hán-Việt, đáng tiếc là trong Từ hải (từ điển tiếng Hán), đương có 14 nghĩa nhưng không hề có nghĩa nào là bây giờ, đang diễn ra cả! Ðương=đang là của tiếng Việt chứ không phải tiếng Hán, đương tiếng Hán kết hợp với thời sẽ ra nghĩa khác. Trong tổ hợp từ “đương kim vô địch” thì từ tố kim mới là bây giờ, chứ không phải là đương. Ðương ở đây có nghĩa là đích thị. Nhầm lẫn chính là ở đây.
Cái sai của đương thời cũng như của thăm quan, yếu điểm, đọc giả…
Tương tự, đương đại cũng được hiểu là đang diễn ra. Những người được hỏi còn giải thích: là những gì diễn ra trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây. Hiểu như thế là chưa được chuẩn. Thứ nhất: nếu xem đương là đang thì nó là âm Việt, không thể kết hợp với đại vì đại là âm Hán-Việt. Thứ hai, những người soạn ngữ pháp tiếng Việt gọi đương=đang là hư từ (một dạng trạng từ), chỉ có thể đi kèm động từ hoặc tính từ chứ không thể bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ. Thứ ba: đã là thời đại thì phải mang tính thời đại, không thể là giai đoạn ngắn trước mắt được!
Trong tiếng Hán hiện đại người ta có dùng từ đương đại nhưng không phải là khoảng thời gian ngắn đang diễn ra. Một giáo sư Hán ngữ giải thích cho tôi rằng đương đại được xem là từ 1949, để phân biệt với hiện đại được xem là từ 1911 (hoặc 1919). Ta có thể thấy đương ở đây không phải là đang mà là ở tại, giống như trong đương cục, đương đạo. Ðại ở đây tôi cho là cách hiểu ngầm của thời đại Này cũng như khi nói người giàu nhất hành tinh thì hành tinh đây mọi người đều hiểu ngầm là hành tinh Này, tức là Trái đất.