star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x
}

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


Có 03 bước để làm một đề tài NCKH đối với sinh viên:  
- Chuẩn bị cho nghiên cứu.
- Triển khai nghiên cứu.
- Báo cáo kết quả nghiên cứu.
 
 
I.  Chuẩn bị cho nghiên cứu.     
Để tiến hành nghiên cứu khoa học phải chuẩn bị đầy đủ các mặt cho nghiên
cứu. Bước chuẩn bị có một vị trí đặc biệt, nó góp phần quyết định chất lượng
của công trình nghiên cứu. Trước hết ta bắt đầu ở bước chọn đề tài:
 
1. Chọn đề tài
 
Đối với một sinh viên đại học, một đề tài nghiên cứu cần thỏa mãn những yêu
cầu cụ thể:
– Đề tài nghiên cứu phải có ý nghĩa khoa học: bổ sung nội dung lý thuyết của
khoa học, hoặc làm rõ một số vấn đề lý thuyết đang tồn tại nhiều khúc mắc…Ví
dụ: đề tài về đặc điểm ngôn ngữ học của những lời quảng cáo thì sau khi xong
đề tài phải đạt được những đặc điểm mới gì về ngữ pháp, ngữ dụng trong những
lời quảng cáo, so với các đề tài đã thực hiện trước thì có gì mới hơn.
– Đề tài phải có tính thực tiễn, thể hiện ở việc thỏa mãn một nhu cầu hiện hữu
trong xã hội, đem lại giá trị thiết thực cho cả lý luận và thực tiễn. Ví dụ đề tài về
Nghiên cứu hướng phát triển các dịch vụ du lịch tại thành phố Đà Nẵng thì kết
quả nghiên cứu phải cho ra các chính sách gì để phát triển du lịch (lý luận), và
thực tiễn là đạt hiệu quả như thế nào cho một loại hình dịch vụ, chẳng hạn nhà
hàng hay khách sạn, hay du lịch sinh thái.
– Đề tài phải phù hợp với khả năng chuyên môn, điều kiện vật chất và quỹ thời
gian của nhóm nghiên cứu. Ví dụ sinh viên thì chọn lựa đề tài khác với các nhà
nghiên cứu, có thể chọn đề tài thực hiện trong thời gian 3 – 4 tháng, trong phạm
vi thời gian học tập của sinh viên, đối tượng nghiên cứu cũng giới hạn để dễ
thực hiện, sinh viên thì hoặc áp dụng các lý thuyết đã học để chọn đề tài hoặc
chuyên ngành học để chọn đề tài.
 
2. Thu thập tài liệu
 
Một khi đã chọn được đề tài, sinh viên cần có những tài liệu liên quan để xây
dựng vốn kiến thức nền vững chắc về chuyên môn mình nghiên cứu, ngoài ra
cung cấp cơ sở cho công trình dựa vào những tài liệu khoa học uy tín.
Để thu thập tài liệu hữu ích và đáng tin cậy, các bạn có thể tham khảo những
cách thức sau:

– Tìm kiếm thông qua các thầy cô hướng dẫn, thường các thầy cô có kinh
nghiệm lâu năm trong nghiên cứu sẽ sưu tầm một lượng lớn các tài liệu hữu ích
cho công trình.
– Tìm kiếm trong thư viện hoặc kho tài liệu của trường đại học.
– Tìm kiếm trong các bài báo, tạp chí khoa học, các ấn phẩm khoa học về
chuyên ngành liên quan đến đề tài nghiên cứu.
 
3. Xác định các vấn đề liên quan đến đề tài
Muốn có được sự chuẩn bị tốt nhất, ta phải đặt câu hỏi và tự trả lời các vấn đề
xung quanh đề tài. Những vấn đề đó là:
– Đối tượng nghiên cứu: Là những người, sự vật hay hiện tượng cần xem xét và
làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu.
– Phạm vi nghiên cứu: Là giới hạn khảo sát đối tượng nghiên cứu trong trong
phạm vi nhất định, bao gồm thời gian và không gian cụ thể.
– Mục tiêu nghiên cứu: Là các nhiệm vụ đặt ra để thực hiện nhằm đạt được mục
đích nghiên cứu.
– Mục đích nghiên cứu: Là đích đến mà người nghiên cứu muốn đạt được sau
khi thực hiện nghiên cứu.
– Nội dung nghiên cứu: Là mô tả quá trình nghiên cứu dự tính của người nghiên
cứu.
– Phương pháp nghiên cứu: Là cách thức, phương tiện để giải quyết các nhiệm
vụ trong nghiên cứu, là vấn đề quan trọng nhất mà một người nghiên cứu cần
phải nắm rõ vì xác định được phương pháp sẽ xác định được hướng đi phù hợp
với yêu cầu của nghiên cứu.
Trong quá trình trả lời các câu hỏi về vấn đề nghiên cứu kể trên, nên ghi chép
và hệ thống lại cẩn thận để bổ sung vào đề cương nghiên cứu.
II. Triển khai nghiên cứu
Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, ta cần tiến hành vô số các công việc cả
trong lý thuyết và thực tế, bao gồm lập giả thiết, thu thập và xử lý dữ liệu, rồi
tổng hợp kết quả và rút ra kết luận. Bắt đầu từ bước đầu tiên: 
1. Lập giả thiết
Giả thuyết khoa học là mô hình giả định, dự đoán về bản chất của đối tượng
nghiên cứu.
Một công trình khoa học về thực chất là chứng minh một giả thuyết khoa học.
Do đó xây dựng giả thuyết là thao tác quan trọng, giúp ta đề xuất một hướng đi
để  khám phá đối tượng nghiên cứu, đôi lúc tiên đoán được bản chất và cách
thức vận động của sự kiện, hiện tượng.
Giả thiết khoa học dù chỉ là giả định trên lý thuyết, nhưng vẫn cần tuân thủ các
quy tắc sau:
– Giả thiết phải có khả năng giải thích được sự vật, hiện tượng cần nghiên cứu.
– Giả thiết phải đủ khả năng được kiểm chứng bằng thực nghiệm.

Khi đã có một giả thiết phù hợp, ta cần kiểm chứng nó bằng các dữ liệu thực tế,
điều đó dẫn tới việc thực hiện các bước tiếp theo.
2. Thu thập và xử lý dữ liệu
2.1. Thu thập dữ liệu
Sinh viên nghiên cứu có thể tìm thấy các dữ liệu cần thiết bằng cách phỏng vấn
những đối tượng cụ thể, hoặc tra cứu thông tin từ những nguồn uy tín (có thể
tìm kiếm trên mạng hoặc đến cơ quan nơi có nguồn thông tin để hỏi trực tiếp).
Các dữ liệu cũng cần thỏa mãn những yêu cầu đã đặt ra, như có độ chính xác và
tin cậy cao, có thông tin hữu ích để hình thành cơ sở đánh giá giả thiết, liên
quan mật thiết tới đề tài,…
2.2. Xử lý dữ liệu
Xử lý dữ liệu là quá trình sử dụng kiến thức tổng hợp của người nghiên cứu, là
quá trình sử dụng tư duy biện chứng và logic cùng với các phương pháp nghiên
cứu khoa học để xem xét đối tượng.
Mục đích của việc xử lý dữ liệu là tập hợp, chọn lọc và hệ thống hoá các phần
khác nhau của thông tin, của tư liệu đã có để từ đó tìm ra những khía cạnh mới,
kết luận mới về đối tượng.
Để xử lý một cách triệt để dữ liệu thu thập được trước hết cần sàng lọc ra những
thông tin chính xác và hữu ích, sau đó phân tích các dữ liệu đó bằng các công cụ
đặc biệt kết hợp sử dụng kiến thức và tư duy của người nghiên cứu, cuối cùng
tổng hợp và ghi chép lại các kết quả thu được.
Trong quá trình phân tích và xử lý thông tin cần chú ý tôn trọng tính khách quan
của sự kiện, con số, người nghiên cứu không được chủ quan áp đặt theo ý đồ
của bản thân
III. Báo cáo kết quả nghiên cứu
Viết báo cáo cần phải viết nhiều lần, có bản nháp để giáo viên hướng dẫn chỉnh
sửa, góp ý cho phù hợp. Một báo cáo khoa học, về nội dung cần có hàm lượng
vừa phải nhưng rõ ràng, đầy đủ các ý tương ứng với đề cương đã có; về hình
thức cần trình bày sạch sẽ, phù hợp với yêu cầu của nghiên cứu.