star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x
}

CẢI THIỆN KỸ NĂNG NGHE


KINH NGHIỆM HỌC MÔN NGHE 

Theo Ur, P. (1996), tác giả của nhiều cuốn sách viết về việc dạy tiếng (language teaching) thì người học thường gặp phải những khó khăn sau đây trong khi học nghe: (1) Không nhận ra được các âm mà người Anh nói, (2) Có thói quen phải hiểu tất cả các từ trong câu mới hiểu được nội dung của bài, (3) Không thể hiểu được khi người Anh nói nhanh một cách tự nhiên, (4) Cần phải nghe nhiều lần mới có thể hiểu được,(5) Thấy khó có thể nắm bắt được tất cả các thông tin và không dự đoán được điều mà người nói sắp nói, (6) Nếu phải nghe kéo dài, người học sẽ cảm thấy mệt mỏi và thiếu tập trung.

Khi đề cập đến những khó khăn của người học đối với môn nghe, hai nhà giáo học pháp ngoại ngữ là Nguyễn Bàng và Nguyễn Bá Ngọc cũng liệt kê ra 6 khó khăn sau đây: (1) Gặp khó khăn với các âm tiếng Anh, (2) Phải hiểu hết các từ, (3) Không hiểu được khi người Anh nói nhanh tự nhiên, (4) Thấy khó có thể theo kịp tốc độ nói của người Anh, (5) Cần nghe đi nghe lại nhiều lần, (6) Mệt mỏi và thất vọng.

Trong cuốn ‘Teaching Listening’, Underwood (1989) cũng đưa ra một số khó khăn của người học nghe. Đó là: (1) Không theo kịp được tốc độ của người nói, (2) Không thể nhắc lại được thông tin, (3) Hạn chế về vốn từ vựng, (4) Không nhớ hết tất cả các thông tin nghe được, (5) Không nắm bắt được thông tin chính, (6) Không thể tập trung và (7) Không hình thành được thói quen nghe.

Từ những quan điểm của những nhà ngôn ngữ học được nêu trên, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm những giải pháp phù hợp để khắc phục những vấn đề mà chúng ta gặp phải.

Thứ nhất, để nghe tốt chúng ta phải có vốn từ vựng nhất định, có ai dám khẳng định là mình vẫn nghe và hiểu được họ đang nói gì dù mình không có vốn từ vựng? Xây dựng vốn từ là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn, những bài tập đọc hiểu, bài tập ngữ pháp cũng cung cấp không ít vốn từ, chúng ta nên tận dụng và học từ vựng thông qua những hoạt động đó. Ngoài ra thường xuyên đọc các bài báo trên trang báo nước ngoài cũng là cách chúng ta học từ vựng tốt. Nên nhớ không bao giờ học từ đơn lẻ, mà từ vựng phải học trong ngữ cảnh, trong câu, trong đoạn văn thì mình mới hiểu và nắm được nghĩa của nó một cách nhanh nhất và lâu nhất. Tốt hơn nữa thì với mỗi từ vựng mình thấy hay ,thấy tâm đắc các bạn có thể tự mình đặt một câu ví dụ với nó thì việc nhớ nghĩa, vận dụng từ sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, phải thường xuyên luyện nghe, tạo thói quen  luyện nghe một cách tự nhiên như thói quen nghe nhạc hằng ngày của mình. Có nhiều bạn phàn nàn rằng “ em mở file nghe nhưng em không nghe được gì đau đầu lắm cô ơi.” Thật ra việc “tắm trong ngôn ngữ” đã luôn được các giáo viên giảng dạy đề cập và khuyên nhủ các bạn thực hiện. Có thể nhiều bạn thấy rằng việc mở file nghe ra nghe mà không nghe được gì là một điều vô ích và không nên làm nữa, tuy nhiên nghe thường xuyên như thế sẽ giúp các bạn quen dần với chất giọng, ngữ điệu, âm điệu của người bản xứ lâu dần sẽ giúp các bạn quen thuộc, thấm dần và cộng thêm vốn từ vựng ngày càng được tăng lên thì kỹ năng nghe của các bạn cũng sẽ được cải thiện rất nhiều.

Thứ ba, đừng bao giờ học từ và nghĩa của từ mà không học cách phát âm của nó. Một thực tế không thể phủ nhận là việc bạn phát âm sai một từ nghĩa là bạn không thể nghe ra từ đó khi nghe người khác đọc nó. Hiện nay đa phần các từ điển Anh Việt, Anh Anh đều cung cấp phần phiên âm của từ, tuy nhiên có nhiều từ điển phiên âm vẫn không chính xác vậy nên hãy dùng những từ điển chính thống để học được cách phát âm chuẩn nhất như Oxford hay Cambrigde và cần chú ý vào sự khác nhau giữa tiếng Anh Anh và tiếng Anh Mỹ mà cả 2 loại từ điển này đều đề cập. ( Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở bài viết sau).

Thứ tư, đừng bao giờ nghĩ rằng phải nghe hết tất cả các từ trong bài nghe mới hiểu được nội dung của nó. Hầu hết các bài tập luyện nghe, các dạng bài thi nghe TOEIC, TOEFL hay IELTS luôn hướng người nghe vào các hoạt động nghe có mục đích, vậy nên hiểu kỹ các yêu cầu của bài nghe và luôn nghe có chủ đích sẽ đem lại hiệu quả cao cho các bạn. Đặc biệt với các bạn học anh văn không chuyên tại trường đại học Duy Tân theo format nghe của TOEIC thì việc đọc trước để hiểu và nắm được nội dung cần nghe để trả lời  các câu hỏi trong phần 3,4 của bài nghe  là điều kiện cần để các bạn nghe đạt hiệu quả nhất.

Đừng cố gắng luyện nghe khi bạn đang căng thẳng , mệt mỏi. Hãy thư giản khi cần thiết. Chúc các bạn luôn thành công.