star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

VÀI NÉT VỀ SÁCH “OXFORD HANDBOOK OF COMMERCIAL CORRESPONDENCE” TRONG VIỆC DẠY/HỌC MÔN ANH VĂN THƯ TÍN THƯƠNG MẠI


I. Tổng quan về cấu trúc sách

Quyển “Oxford handbook of Commercial correspondence” của tác giả A. Ashley cung cấp cho người học và người đi làm những kiến thức về thư tín thương mại và cơ hội luyện tập viết văn bản thư tín trong những tình huống sát với thực tế. Sách bao gồm tất cả các khía cạnh của giao dịch từ cấu trúc, cách bố trí, đến nội dung, ngôn ngữ sử dụng và phong cách viết của các loại thư từ, đơn đặt hàng, hay những thủ tục được thực hiện bởi những đại lý, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty vận chuyển, …

Sách bao gồm tổng cộng 16 unit. Trong đó:

Unit 1 và 2 trình bày định dạng, bố cục chung của văn bản và những đặc điểm khác như độ dài, thứ tự nội dung, phong cách viết, và ngôn ngữ sử dụng.

Từ unit 3 trở đi, mỗi unit bao gồm những phần sau: Giới thiệu tổng quan, Phân tích mục tiêu cần đạt được, Cung cấp bài viết mẫu, Nhắc lại nội dung và từ vựng quan trọng.

 

·        Giới thiệu tổng quan về loại giao dịch mà unit thể hiện, giải thích những thuật ngữ được sử dụng, và nêu chức năng của những công ty/ tổ chức có thể liên quan đến loại giao dịch đó.

·        Phân tích mục tiêu cần đạt được khi viết những loại văn bản liên quan, ngoài ra, cung cấp những từ, cụm từ, hoặc câu thay thế, sử dụng trong những tình huống khác nhau.

·        Phần tiếp theo cung cấp những lá thư hoặc giao dịch mẫu. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra những câu hỏi và bình luận liên quan đến ngôn ngữ, văn phong, và vai trò của các đối tượng được nhắc đến trong bài mẫu.

·        Phần cuối cùng nhắc lại những nội dung quan trọng của unit và liệt kê những từ vựng cần nhớ.

II. Đối tượng sử dụng sách

Sách phù hợp với nhiều đối tượng, bao gồm:

Người đi làm: Với vai trò như một quyển sổ tay, sách giúp người nhân viên có thể viết được nhiều loại văn bản, linh hoạt trong cách diễn đạt ở nhiều tình huống, đồng thời cung cấp thêm những kiến thức liên quan đến giao dịch trong thương mại.

Giáo viên: nội dung sách được xây dựng phù hợp với nhu cầu của học viên đang học tiếng Anh và cả học viên người bản địa. Vì vậy, giáo viên có thể sử dụng sách cho việc giảng dạy của mình. Ngoài ra, sách cung cấp cho những giáo viên, những người có thể còn xa lạ với lĩnh vực thương mại, một lượng kiến thức quan trọng trong chủ đề này.

Học viên: nội dung sách được thiết kế theo trình tự từ lý thuyết đến thực hành, dẫn dắt người học đi qua từng giai đoạn khác nhau của giao dịch. Đây cũng là tài liệu phù hợp dành cho những ai muốn tự học.

III. Cách sử dụng sách Oxford handbook of Commercial correspondence 

Người học được khuyến khích học theo đúng trình tự các phần và các unit đã được sắp xếp trong sách.

Mỗi unit thường chứa 2 nội dung chính cần phải được đọc kĩ. Phần thứ nhất là những thông tin liên quan đến lý thuyết, bao gồm: cấu trúc, nội dung, và văn phong của một loại văn bản thư tín cụ thể, đồng thời cung cấp thông tin về những tổ chức liên quan (ví dụ như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty vận chuyển…). Phần thứ hai là những văn bản mẫu. Người học được khuyên học kĩ 2 phần này để có cái nhìn rõ hơn về thư tín thương mại, những thuật ngữ, cũng như vai trò của các tổ chức khác nhau.

Đối với tình huống trong lớp học, giáo viên có thể tổ chức các hoạt động nhóm cho học viên luyện tập như đóng vai nhà bán hàng và khách hàng (hoặc những tổ chức khác nhau như ngân hàng, đại lý…) để viết thư trao đổi thông tin, đàm phán, và thiết lập các giao dịch.

Sau khi đọc thư mẫu, người học nên luyện tập trả lời những câu hỏi ngắn bên cạnh những bức thư để chắc chắn là mình đã hiểu rõ chúng.

Và cuối cùng, người học được khuyên nên đọc lại phần tóm tắt nội dung và danh sách những từ vựng quan trọng cuối mỗi unit như là phần tài liệu dùng để ôn tập.

IV. Đánh giá sách Oxford handbook of Commercial correspondence 

Phần đầu của mỗi unit giới thiệu nhanh những thuật ngữ sẽ được dùng lặp đi lặp lại trong unit đó và những thư mẫu được sử dụng trong unit cũng được giải thích tình huống cụ thể, rõ ràng, giúp cho người đọc nắm được vai trò của người viết thư và những tổ chức mà người viết đang hướng tới.

Độc giả có thể học được nhiều từ những ngôn ngữ vừa đơn giản vừa trực tiếp từ các ví dụ trong sách, ngoài ra, còn học được cách viết văn sao cho lịch sự nhưng không e dè, thẳng thắn nhưng không thô lỗ, chắc chắn nhưng không thiếu linh hoạt.

Những ví dụ được sử dụng trong sách là những tình huống thực tế, vì vậy, những người đọc đến từ quốc gia khác có thể hiểu được phần nào cách thức và quy trình giao dịch của người Anh, đồng thời, hiểu rõ hơn về những thuật ngữ và vai trò của những tổ chức khác nhau.

Phần tóm tắt cuối mỗi unit giúp người đọc có thể sử dụng sau đó như tài liệu tham khảo nếu người học cần.